Lần đầu tiên Việt Nam ghép tạng thành công cho bệnh nhân suy gan tối cấp, "thập tử nhất sinh"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người phụ nữ được cứu sống sau ca ghép tạng lịch sử ở Bệnh viện Việt Đức. Trước đó, bệnh nhân hôn mê do suy gan tối cấp, phổi và não đều tổn thương rất nặng, rối loạn đông máu trầm trọng.

VT_ Thuỳ.JPG
PGS.TS. Lưu Quang Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức - kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trưa 7/5

“Đây là ca ghép tạng khó khăn nhất diễn ra thành công tại Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ phải chạy đua với tử thần để giành lại sự sống cho người phụ nữ hôn mê sau khi bị suy gan tối cấp, do viêm gan B không được điều trị. Nếu không ghép, bệnh nhân sẽ từ vong trong vòng 48 giờ”, TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết tại cuộc họp thông báo về kết quả của ca ghép được tổ chức sáng nay, 7/5.

Đây là thành tựu mới của bệnh viện ngoại khoa hàng đầu này trong lĩnh vực ghép tạng.

VT_ Hùng.JPG
TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - thông tin về ca ghép đặc biệt vừa thành công

PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Việt Đức - cho biết: Nữ bệnh nhân H. được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng “thập tử nhất sinh” và có hoàn cảnh đặc biệt: Chị bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, đã được phẫu thuật nhiều lần. Khi tìm được hạnh phúc, bệnh nhân lại bị hiếm muộn, đã 4 lần dùng phương pháp IVF nhưng đều thất bại. Đáng buồn hơn, thuốc IVF là thuốc nội tiết nên ảnh hưởng rất lớn tới bệnh gan của chị.

Một tuần sau tiêm thuốc IVF, chị H. rơi vào tình trạng rất mệt mỏi, da bị vàng ngày càng tăng, chức năng gan và nhận thức giảm, sốt cao, lơ mơ. Chị được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được các bác sĩ chẩn đoán suy gan tối cấp nên cần phẫu thuật ghép gan cấp cứu nếu không sẽ tử vong.

Chồng chị sẵn sàng hiến gan nhưng không trùng nhóm máu. Đúng lúc đó, có nạn nhân hiến tạng tương đồng về tuổi và cùng nhóm máu, thực sự là cơ hội sống cho người phụ nữ này.

Ngay lập tức, TS. Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Bệnh viện - tổ chức họp Hội đồng chuyên môn họp khẩn để triển khai ca ghép cho bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp.

Bệnh nhân ở tình trạng tối cấp, hôn mê, phải thở máy; não, thận, gan đều hỏng. Thêm nữa, bệnh nhân còn bị khó đông máu, mà khi ghép tạng, tình trạng này là vô cùng nguy hiểm vì sẽ làm mất máu.

Các chuyên gia đều đánh giá ca ghép tiên lượng rất nặng, ảnh hưởng đến sự thành công của ca ghép, khi gan của bệnh nhân đã hoại tử 85%, thương tổn phổi và não. Trong khi đó, danh sách chờ ghép rất dài nên nếu ca ghép không thành công, sẽ bỏ lỡ cơ hội dành cho các bệnh nhân khác.

VT_BN.png
Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực nên tiến triển tốt

Theo ông Hùng, PGS.TS. Lưu Quang Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức - là người được giao đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định có thực hiện ca ghép hay không.

Với trình độ chuyên môn về gây mê hồi sức cao, PGS. Thuỳ đã trình bày những lý do để quyết định thực hiện ca ghép. Điều đầu tiên là nếu không ghép, bệnh nhân sẽ từ vong trong vòng 48 giờ; hơn nữa, là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành đã có nhiều kinh nghiệm thành công trong ghép tạng, các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức quyết tâm tiến hành ca ghép.

Các bác sĩ đã sử dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, chạy đua với thời gian trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân. Sau 9 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật kết thúc thành công, bệnh nhân mất rất ít máu.

Theo ông Nghĩa, sau ca ghép, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đã bình thường. Ngày thứ 3 có một mạch máu tắc nhưng được điều trị ngay. Chức năng gan, phổi, não, thận dần được cải thiện, Hiện, bệnh nhân đã tự ngồi, tự ăn và nói chuyện được.

PGS.TS. Lưu Quang Thuỳ chia sẻ thêm: Đây là ca ghép khó khăn nhất vì bệnh nhân yếu nhất trong số các bệnh nhân từng ghép tạng. Do bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ rất cao, nên công tác gây mê vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải tìm mọi cách để giúp cho phổi không bị tổn thương thêm, bảo vệ chức năng tạng.

“Thành công của ca ghép một lần nữa cho thấy trình độ ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức đã đạt tầm thế giới, đồng thời, cho thấy công tác tổ chức phối hợp ghép tạng ngày càng chặt chẽ, khoa học. Đây là cơ sở để bệnh viện cứu sống nhiều bệnh nhân”, ông Dương Đức hùng tự hào chia sẻ.

Tại Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực trưa 7/5, chị H. đã ngồi dậy được, ánh mắt ngập tràn niềm vui. Chị bày tỏ lòng biết ơn dành cho các bác sĩ đã có công “tái sinh” cho mình.

Theo PGS.TS. Lưu Quang Thuỳ, khi ghép xong, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Gây mê Hồi sức tích cực, được sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất, thuốc có tác dụng cao nhất, có nhân viên chăm sóc riêng trong phòng vô trùng. Vì thế, bệnh nhân đã có tiến triển nhanh chóng.